UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (được quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
.jpg)
UBND cấp xã là đơn vị tiếp nhận bản cam kết kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định. Ảnh minh họa.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; tiếp nhận bản sao các giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP); hệ thống phân tích mối nguy, điểm kiểm soát tới hạn (HACCP); hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000; tiêu chuẩn thực phẩm, quốc tế (IFS); tiêu chuẩn toàn cầu về ATTP (BRC); chứng nhận hệ thống ATTP (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện nhiệm vụ được giao…
UBND cấp huyện hướng dẫn thực hiện và tiếp nhận bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, bản tự công bố sản phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật). UBND cấp xã tiếp nhận bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với các cơ sở: Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (các cơ sở không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật)…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15-10-2020.
Tin và ảnh: LÊ XƯA
|