Ninh Hòa nằm trong vùng đồng bằng duyên hải miền trung, mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.350 mm, mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, thường gây lũ lụt lớn. Mùa khô nắng nhiều, gió Tây Nam thổi mạnh, thường gây hạn hán gay gắt. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây tình hình thời tiết tại Ninh Hòa diễn biến thất thường với những loại hình thiên tai xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão, lụt, nắng nóng, hạn hán. Vì vậy, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Ninh Hòa (sau đây viết tắt là BCH PCTT và TKCN thị xã) đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Mục tiêu chính của phương án là chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai. Trong đó, lấy công tác phòng là chính, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Phương án đưa ra nhiều giải pháp ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể, theo cấp độ rủi ro.

Một tuyến đường tại xã Ninh Thân bị ngập lụt vào năm 2020
Trường hợp nhận được thông tin về áp thấp nhiệt đới và bão gần biển Đông, BCH PCTT và TKCN thị xã sẽ kịp thời thông tin đến các xã, phường, cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nhất là địa phương ven biển bằng nhiều hình thức: văn bản, hộp thư điện tử, fax, điện thoại… và phát thông báo trên hệ thống truyền thanh – truyền hình thị xã để mọi người được biết. Đồng thời, yêu cầu BCH PCTT và TKCN các xã, phường chủ trì, phối hợp với các Đồn biên phòng liên lạc với gia đình của ngư dân để nhanh chóng nắm bắt số lượng tàu thuyền đã ra khơi, số tàu thuyền đã gọi được vào bờ, số tàu thuyền còn ngoài khơi, số tàu thuyền mất liên lạc hoặc gặp nạn và thường xuyên báo ngay về BCH PCTT và TKCN thị xã. Thông báo, hướng dẫn cho ngư dân kịp thời phỏng tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn an toàn và cấm ghe thuyền ra khơi khi chưa có thông báo mới.
Đối với trường hợp xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trên biển đông và cấp độ cao hơn là bão gần bờ, chuẩn bị đổ bộ, ngoài công tác tuyên truyền, thông tin thường xuyên, BCH PCTT và TKCN thị xã tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến của thời tiết, nắm bắt tiến độ công tác chuẩn bị đối phó với áp thấp nhiệt đới, bão của các địa phương, cơ quan, đơn vị; điều động các thành viên BCH PCTT và TKCN thị xã đến trực tiếp các địa bàn thực hiện kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão tại các xã, phường; ban hành công điện, thông báo cảnh báo và chỉ đạo các xã, phường ven biển phối hợp với các Đồn Biên phòng kiểm tra lại số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là số lượng tàu đánh bắt xa bờ, hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, thông báo cho chủ tàu thuyền tìm nơi tránh trú bão an toàn. Tổ chức, hướng dẫn việc neo đậu cho số tàu thuyền đã vào bờ một cách an toàn, trật tự trong suốt thời gian tàu thuyền neo đậu tại điểm tránh trú bão. Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ, trong trường hợp người dân không chấp hành di dời khỏi khu vực nguy hiểm thì áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tổ chức bảo vệ tàu thuyền và tài sản trên tàu cho người dân vào tránh trú bão; thực hiện lệnh cấm tàu thuyền ra khơi. Đề nghị người dân bổ sung dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, chằng chống nhà cửa; xác định các vùng xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phương án di dời dân tương ứng với từng cấp bão.
Sau bão hoặc áp thấp nhiệt đới thường có mưa lớn, gây lũ lụt lớn và sạt lở đất thì phương án ứng phó sẽ là theo dõi, kiểm tra; thực hiện xả lũ, tích nước hợp lý, hạn chế ngập lụt hạ du; ứng phó khi có sự cố mất an toàn hồ đập. Di chuyển người, gia súc, lương thực, kho giống lên cao đối với các vùng trũng, thấp, vùng hạ lưu sông, vùng có đê. Bên cạnh đó, chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết; chỉ đạo thu hoạch sớm các loại cây lương thực, hoa màu và thủy sản; cấm người dân vớt củi trên sông; cắm biển báo, bố trí lực lượng ứng trực cấm người, phương tiện qua lại những đoạn bị ngập úng sâu và có dòng chảy xiết, nơi thường hay xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thực hiện phương án đối phó theo phương châm 4 tại chỗ…
Để phương án triển khai đạt hiệu quả cao, BCH PCTT và TKCN thị xã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan. Phòng Kinh tế là cơ quan thường trực, giúp việc cho BCH PCTT và TKCN thị xã, chỉ đạo khắc phục các hậu quả do bão, lụt gây ra trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản; các biện pháp chỉ đạo thời vụ sản xuất, bảo vệ đê, kè, cống, các công trình thủy lợi nói chung, chỉ đạo phòng tránh an toàn khi có bão đối với các tàu thuyền của ngư dân vùng ven biển; tổng hợp các nhu cầu cần hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai. Phòng Quản lý Đô thị kiểm tra hiện trạng các công trình giao thông, kỹ thuật hạ tầng; chỉ đạo các đơn vị liên quan, các Chủ đầu tư xây dựng tổ chức rà soát đảm bảo an toàn các công trình đang thi công trong mùa mưa lũ; huy động phương tiện của các đơn vị đóng chân trên địa bàn để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã chịu trách nhiệm tuyên truyền thông tin chính xác, kịp thời, cảnh báo về thời tiết, tình hình thiên tai. Trung tâm Viễn thông Ninh Hòa phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Điện lực Ninh Hòa phải tổ chức đảm bảo an toàn mạng lưới điện và đảm bảo cấp điện liên tục; nhanh chóng khôi phục các sự cố đối với lưới điện và mất điện nếu có xảy ra…